(New Gol) – Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn thương mại điện tử Temu sẽ bình đẳng như các doanh nghiệp khác.
Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan đã thông tin thủ tục hải quan đối với sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam. |
Tại cuộc làm việc với đại diện sàn thương mại điện tử Temu tại Việt Nam, ngày 27/11, ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn thương mại điện tử Temu sẽ như các doanh nghiệp khác.
Tại buổi làm việc, đại diện Temu Việt Nam cho biết, đơn vị đang trong quá trình làm việc với Bộ Công Thương để hoàn thiện hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.
“Bộ Công Thương đã có hướng dẫn thủ tục và bổ sung tài liệu cần thiết, Temu đã bổ sung hồ sơ và đang chờ phản hồi”, đại diện Temu Việt Nam thông tin và bày tỏ doanh nghiệp đề cao tính tuân thủ pháp luật và mong muốn cơ quan Hải quan có những hướng dẫn để thúc đẩy nhập hàng hóa Việt Nam sớm và thuận lợi.
Về vấn đề này, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, hiện Temu chưa được cấp phép nên chưa có cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan, đồng thời khẳng định, sau khi Bộ Công Thương cấp phép hoạt động đối với Temu, cơ quan Hải quan sẽ thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn thương mại điện tử bình đẳng như các nhà cung cấp, xuất nhập khẩu khác.
Giao diện sàn thương mại điện tử thông tin về việc đang làm thủ tục cấp phép hoạt động. |
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn thương mại điện tử, vừa qua Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.
Để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong thời gian Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử chưa được ban hành, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt và chỉ đạo các đơn vị thuộc cục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.
Cụ thể, chi cục hải quan cửa khẩu nhập thực hiện đầy đủ, đúng quy định các bước trong quy trình thủ tục hải quan, đặc biệt là đối với các lô hàng vận chuyển độc lập từ cửa khẩu nhập về các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh.
Không thực hiện thủ tục hải quan đối với các tờ khai vận chuyển độc lập không khai thông tin về tên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tên website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng;
Hoặc có khai thông tin website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng nhưng các website, ứng dụng này chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc chưa được thông báo trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử tại trang online.gov.vn của Bộ Công Thương.
Chi cục Hải quan quản lý địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyền phát nhanh không thực hiện thủ tục hải quan đối với các tờ khai nhập khẩu không khai thông tin về tên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tên website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng.
Về cấp phép hoạt động thương mại điện tử, trong chia sẻ gần đây, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử- Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, các sàn thương mại điện tử như Temu hay các nền tảng quốc tế khác đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về thương mại điện tử, cụ thể là theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Nếu một nền tảng có ngôn ngữ và tên miền tiếng Việt thì phải thực hiện các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam.
Bộ Công Thương đã tăng cường giám sát, phối hợp với các cơ quan trong Bộ làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để đảm bảo rằng các nền tảng này hiểu và tuân thủ pháp luật Việt Nam.