(New Gol) – Tiếp giáp với TP Đông Hưng (Trung Quốc), TP Móng Cái (Quảng Ninh) là một trong những địa bàn xuất nhập khẩu sôi động nhất ở biên giới Quảng Ninh và phía Bắc nói chung. Địa phương này cũng đã được quy hoạch trở thành khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia.
Hơn 1.300 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái Hải quan “hết việc không hết giờ”- ghi nhận nơi địa đầu Móng Cái |
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cầu Bắc Luân II, Móng Cái. Ảnh: Quang Hùng |
Đột phá về hạ tầng cửa khẩu
Đầu tháng 12/2024, phóng viên Tạp chí Hải quan có chuyến công tác về vùng đất địa đầu của Tổ quốc- TP Móng Cái. Cuối năm, nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tăng cao nên lưu lượng xe hàng đi/đến cửa khẩu tấp nập hơn thường lệ.
Khác nhiều năm trước khi cơ sở hạ tầng ở thành phố vùng biên này còn hạn chế, nhiều xe tải phải dừng, đỗ trong thành phố, thì nay đã được tập kết ở các kho, bãi tại khu vực cửa khẩu một cách quy củ.
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến An, Phó Trưởng ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho hay, Móng Cái nằm ở Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, với diện tích tự nhiên 518,278 km², có 78,444 km đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp Trung Quốc.
Trên địa bàn có cửa khẩu quốc tế Móng Cái (bao gồm cầu Bắc Luân I, Bắc Luân II) được xác định là một trong những cửa khẩu biên giới quan trọng vào bậc nhất của Việt Nam.
Ngoài ra còn có cửa khẩu phụ Ka Long, Địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu Lục Lầm, Đại Vai, Lục Chắn; Cảng cạn ICD Móng Cái; Lối mở cầu phao tạm Km 3+4 Hải Yên (Móng Cái) – Bến biên mậu Đông Hưng (Trung Quốc); lối mở Pò Hèn (Việt Nam) – Thán Sản (Trung Quốc) và Khu chuyển tải cảng Vạn Gia (là cảng biển có thể đón tàu 10 vạn tấn ra vào chuyển tải hàng hoá) thông thương với thành phố Đông Hưng và các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc.
Hiện nay, Móng Cái là một trong hai trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch của tỉnh Quảng Ninh có mức luân chuyển hàng hoá rất lớn (kể cả đường bộ và đường thủy), là trung tâm giao dịch trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các tỉnh phía Nam, Trung Quốc như: Phòng Thành, Bắc Hải, Nam Ninh, Quý Châu, Hồng Kông, Hải Nam và nhiều khu vực quan trọng khác.
“Tại các cửa khẩu, lối mở có hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn thành phố đều được đầu tư đồng bộ hệ thống kho bãi, cung ứng dịch vụ bốc xếp hàng hóa hiện đại cơ bản phục vụ tốt nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn, đặc biệt tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (khu vực cầu Bắc Luân II) và Lối mở Km3+4 Hải Yên”, ông Nguyễn Tiến An nhấn mạnh.
Ở cửa khẩu quốc tế Móng Cái (khu vực cầu Bắc Luân II), hệ thống bãi kiểm hóa tạm thời đã được Công ty CP XNK quốc tế Tân Đại Dương đầu tư và khai thác với hệ thống máy móc, trang thiết bị bốc xếp chuyên dụng hiện đại, có thể cùng lúc bốc xếp dỡ 40 container (bên nhập) và 40
container (bên xuất), đầu tư đồng bộ hệ thống máy gắp container, xe cẩu, xe nâng các loại…
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh và TP Móng Cái đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự án Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II gắn với khu dịch vụ, thương mại tại phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư với tổng diện tích 203.453 m² (trong đó, khu kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu có diện tích 29.692m²).
Tại Lối mở Km3+4 Hải Yên, Công ty CP Thành Đạt đã đầu tư 2 sân bê tông rộng trên 10.000 m² phục vụ phương tiện chờ nhập và chờ xuất; bố trí hệ thống sân bãi tách rời cho từng loại hàng hoá (bãi hoa quả, bãi thuỷ hải sản tươi sống, bãi hàng khô và hàng tạp hoá, bãi hàng nhập); 1 âu thuyền kết nối với hệ thống sông biên giới Ka Long; 2 kho lạnh với tổng diện tích gần 10.000 m² có sức chứa trên 1.000 container hàng hóa…
Các bãi kiểm hóa được Công ty CP Thành Đạt đầu tư và khai thác với hệ thống máy móc, trang thiết bị bốc xếp chuyên dụng hiện đại có thể phục vụ nhu cầu xếp dỡ chuyển công với 30 container trong cùng một thời điểm… đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Hiện nay, TP Móng Cái đang tích cực hội đàm với TP Đông Hưng (Trung Quốc) đẩy nhanh tiến độ triển khai lắp đặt phòng Lab của Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Hoa Chi nhánh Quảng Tây (CCICGX) tại Lối mở Km3+4 Hải Yên; xây dụng cầu sắt thô sơ tại Lối mở Km3+4 Hải Yên/cặp chợ biên mậu Đông Hưng…
“Ngoài ra, ở cửa khẩu phụ Ka Long đã được đầu tư, nâng cấp với 2 sân bãi, 6 dây chuyền, năng lực bốc xếp được khoảng 8.000 tấn hàng/ngày trở lên. Cùng với đó, trên địa bàn có 4 địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, điểm xuất hàng, 7 bến cảng, 9 bến thuỷ nội địa, 20 kho ngoại quan công suất bảo quản hàng hỏa đạt trên 20.000 tấn và 49 kho thường với sức chứa trên 300.000 tấn”, ông Nguyễn Tiến An cho biết thêm.
Tạo nền tảng cho phát triển bền vững
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của TP Móng Cái, ngày 16/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040.
Theo đó, TP Móng Cái được quy hoạch là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái – Phòng Thành (Trung Quốc).
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, giai đoạn 2021 – 2030 sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung, giao thông động lực, trọng điểm, mở rộng không gian đô thị, tạo quỹ đất thu hút đầu tư các dự án chiến lược phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm cả nước.
Từng bước hoàn thiện chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam; phát triển các dự án trọng điểm như: cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và các nút giao thông, đường kết nối; đường ven biển liên kết khu kinh tế Vân Đồn đến khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái…; đường dẫn cầu Bắc Luân III và cầu Bắc Luân III; mở rộng, nâng cấp đường kết nối từ cửa khẩu Bắc Luân I (vòng xuyến Ngân hàng Nông nghiệp) đi Trà Cổ…; khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, cảng biển tổng hợp Vạn Ninh (cỡ tàu quy hoạch đến 20.000 tấn)…
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP Móng Cái đã xác định lập 9 đồ án quy hoạch phân khu chức năng, 5 quy hoạch chung xã thuộc địa giới hành chính TP Móng Cái làm cơ sở để quản lý đất đai, xây dựng, thu hút đầu tư…
Với những định hướng kể trên và sự chuyển động từ cơ sở, kỳ vọng TP Móng Cái sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương: Nâng cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu Ngay sau khi được Tổng cục Hải quan công nhận Địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, kể từ 19/3/2019 đến nay, lưu lượng, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua Điểm Thông quan cầu Bắc Luân II năm sau cao hơn năm trước, qua đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý trên địa bàn, nhất là cơ quan Hải quan. Nhờ nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của cơ quan Hải quan, cũng như hạ tầng kho, bãi ngày càng hoàn thiện, trang bị máy móc hiện đại, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như LG, Samsung… đã đến khảo sát và quyết định hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cầu Bắc Luân II. Có thể nói, hạ tầng kho bãi, năng lực xếp dỡ, sang tải hàng hóa, trình độ nguồn nhân lực, máy móc thiết bị… là những điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp. Chính vì vậy, là một doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, thời gian qua, Công ty đã chú trọng đầu tư, mua sắm nhiều máy móc thiết bị (20 cẩu, loại trọng tải từ 25-100 tấn; 4 xe cẩu chụp container, loại 35 tấn; 40 xe nâng, loại 1,5-2,5 tấn…) để phục vụ nhu cầu cho nhiều loại mặt hàng xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp. Với quy mô kim ngạch ngày càng tăng cao, thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, chú trọng đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn, hướng đến sự chuyên nghiệp nhằm đem lại sự hài lòng của khách hàng, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn. |