(New Gol) – Khi tham gia vào Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn, cùng sự chủ động, từ đó hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp nâng cao, mở rộng đối tác, thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.
Từ 9 đến 11h ngày 9/10: Tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan: Góc nhìn từ hai phía” (TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN) “Doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan: Góc nhìn từ hai phía” |
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến. Ảnh: Q.H |
Đó là nội dung bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến, với chủ đề “Doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan: Góc nhìn từ hai phía” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 9/10/2024.
Hải quan sử dụng hiệu quả nguồn lực
Tại Tọa đàm, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tuân thủ pháp luật vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Từ Chương trình thí điểm hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, cơ quan Hải quan cũng mong muốn các doanh nghiệp doanh nghiệp chủ động tìm hiểu chính sách, pháp luật, chuẩn bị sẵn sàng hướng tới tuân thủ tốt pháp luật và giúp doanh nghiệp giảm chi phí.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, cơ quan Hải quan là đơn vị tiên phong trong công tác quản lý rủi ro.
Theo đó, cơ quan Hải quan chuẩn bị nguồn lực và lựa chọn đối tượng rủi ro cao để tập trung nguồn lực quản lý, qua đó sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực.
Ở góc độ môi trường kinh doanh, công tác quản lý của cơ quan Hải quan giúp cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật để giảm tỷ lệ kiểm tra hàng hóa, kiểm tra hồ sơ, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm thời gian, giảm rủi ro.
Chính vì vậy, việc triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan sẽ lan tỏa sang các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác nhau, vượt xa kỳ vọng của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp.
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng chính là môi trường kinh doanh. Khi các nhà đầu tư đến và quyết định thực hiện các hoạt động đầu tư bao giờ cũng quan tâm đến môi trường đầu tư có tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh được không. Yếu tố hết sức quan trọng là tạo thuận lợi thương mại.
Với quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nên việc hỗ trợ, tạo điều kiện thương mại là trụ cột quan trọng của môi trường kinh doanh.
Nhiều tổ chức quốc tế coi tạo điều kiện thương mại là yếu tố then chốt để đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của một quốc tra. Môi trường đầu tư thể hiện ở “sức khỏe”, năng lực của doanh nghiệp và thể hiện tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đã đem lại lợi ích cho cả 2 phía: cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhận được nhiều lợi thế.
Bởi vì, khi tham gia vào Chương trình này, doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn, cùng sự chủ động, từ đó hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp nâng cao, mở rộng đối tác, thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.
Như vậy, Chương trình thí điểm cũng đóng góp trực tiếp vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tăng lên cũng kéo theo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng tăng lên.
Bà Nguyễn Minh Thảo kỳ vọng, không chỉ những doanh nghiệp tham gia Chương trình này mới được cơ quan Hải quan đưa ra cảnh báo, hỗ trợ mà đây là nền tảng để kết nối giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp, thúc đẩy mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Chương trình này sẽ tạo đà, trở thành động lực để cơ quan Hải quan thiết lập nền tảng chung để cho tất cả các doanh nghiệp có thể tham khảo, từ đó mở rộng, có sức lan tỏa tốt hơn.
Doanh nghiệp phải chủ động
Bất kể doanh nghiệp từ nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp lớn đều mong muốn tuân thủ tốt pháp luật.
Để làm được điều này, theo bà Nguyễn Minh Thảo, muốn tuân thủ tốt pháp luật, doanh nghiệp phải chủ động. Không chỉ ban lãnh đạo doanh nghiệp mà chính những cán bộ phụ trách phải trăn trở, trách nhiệm hơn trong quá trình thực hiện.
Tiếp đó, quy định của pháp luật phải minh bạch hơn, hiểu thống nhất hơn, từ đó doanh nghiệp mới tuân thủ thuận lợi hơn. Đây là yếu tố quan trọng với cả doanh nghiệp và cơ quan thực thi. Bên cạnh đó, công tác về truyền thông, hướng dẫn cũng cần được đẩy mạnh.
Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, thông qua chương trình này, cơ quan Hải quan cần truyền tải những thông điệp quan trọng về Chương trình để các doanh nghiệp có thông tin, lan tỏa đến hải quan các địa phương, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận.
Tới đây, cơ quan Hải quan triển khai chính thức Chương trình, kỳ vọng sẽ mở rộng thêm đối tượng, từ đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia và tính chuyên nghiệp, năng lực thực hiện chính sách của các doanh nghiệp hiệu quả hơn.