(New Gol) – Hơn 100 doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu gỗ qua cửa khẩu cảng Quy Nhơn đã được Cục Hải quan Bình Định hỗ trợ tạo thuận lợi. Điều này đã được doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Cảng Quy Nhơn chuyển đổi phương thức xuất khẩu bằng tàu chuyến sang hình thức container đối với mặt hàng viên gỗ nén xuất đi châu Âu, Nhật Bản. Ảnh: DNCC |
“Thủ phủ” ngành gỗ đối diện khó khăn
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Cục Hải quan Bình Định với doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định mới đây, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết, từ trước đến nay, Bình Định được mệnh danh là “thủ phủ” ngành gỗ, đặc biệt là mặt hàng gỗ dùng ngoài trời.
Năm 2024, doanh nghiệp ngành gỗ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về đơn hàng, thị trường xuất khẩu do xung đột địa chính trị, cước vận chuyển đường biển tuyến Á – Âu, Á – Mỹ tăng rất cao từ tháng 6 đến tháng 8/2024, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Anh vẫn đang chịu tác động lớn của lạm phát, lãi suất cao, chính sách thắt chặt tiền tệ, những quy định mới của EU như EUDR…
Đồng thời, môi trường kinh doanh trong nước còn nhiều thách thức tiếp tục đe dọa khả năng tăng trưởng của ngành gỗ trong những tháng cuối năm 2024 và làm cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ năm 2024 đạt trên 1 tỷ USD của Hiệp hội càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn xác định và kiên định các nhóm giải pháp hiện thực hóa mục tiêu này dựa trên chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng theo phương châm “tự lực, tiết kiệm”, tăng đầu tư cho các hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, sáng tạo trong tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực, điều kiện sản xuất kinh doanh.
Trong 9 tháng năm 2024, ngành gỗ Bình Định tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 25% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 796,47 triệu USD, chiếm khoảng 61% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Theo ông Thiện, kết quả trên cho sự đồng hành hỗ trợ rất lớn từ Cục Hải quan Bình Định nói chung và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn nói riêng.
Trong nhiều năm qua, với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, công chức Cục Hải quan Bình Định đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp ngành gỗ trong những lúc khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các quy định mới; nhanh chóng giải quyết các thủ tục XNK kịp thời gian tàu vào cảng dỡ hàng, cấp container rỗng cho đến khâu thông quan, bốc hàng lên tàu xuất khẩu kịp thời.
“Do tính chất đặc thù của cảng Quy Nhơn, tàu vào cảng thường tập trung vào dịp cuối tuần, làm hàng ngoài giờ hành chính và trong thời gian ngắn, nên Cục Hải quan Bình Định, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn đã tạo điều kiện làm thêm giờ, làm ngoài giờ hành chính, được cộng đồng doanh nghiệp và Hiệp hội ủng hộ, ghi nhận những nỗ lực này”- ông Lê Minh Thiện nhận xét.
Không để vướng mắc ảnh hưởng đến DN
Thường xuyên làm thủ tục XNK mặt hàng gỗ qua cảng Quy Nhơn, đại diện Công ty TNHH Nội ngoại thất Gia Hân (Bình Định) cho biết, trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp làm thủ tục XNK khoảng hơn 50 container nguyên liệu và sản phẩm gỗ. Thủ tục hải quan hiện nay tương đối đơn giản, nhất là đối với hàng xuất khẩu, tỷ lệ tờ khai được phân luồng Xanh- miễn kiểm tra- chiếm hơn 95%.
Trong 9 tháng năm 2024, đã có trên 170 doanh nghiệp gỗ làm thủ tục, với gần 14.000 tờ khai XNK, đóng góp cho ngân sách nhà nước tại Cục Hải quan Bình Định gần 135 tỷ đồng tiền thuế. |
Không chỉ đối với trường hợp trên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, Cục Hải quan Bình Định đã có những chuyển biến rõ nét trong cải cách hành chính giúp hàng hóa của doanh nghiệp thông quan nhanh chóng, thuận lợi, giảm chi phí, kịp thời sản xuất, xuất khẩu.
Đạt được kết quả trên, trong thời gian qua, Cục Hải quan Bình Định luôn xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo thuận lợi thương mại, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo tiền đề thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh, nên đơn vị đặc biệt quan tâm thực hiện, không để những trở ngại, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp ngành gỗ, nhiều năm qua, Cục Hải quan tỉnh Bình Định và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định đã ký kết, triển khai hiệu quả Thoả thuận hợp tác, Hiệp hội luôn là cầu nối thông tin giữa các doanh nghiệp hội viên với cơ quan Hải quan như: cử các đầu mối đại diện hai cơ quan kịp thời nắm bắt, có công văn trao đổi thông tin, đề xuất kiến nghị giải quyết các vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp ngành gỗ thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hải quan, như:
Kiến nghị Tổng cục Hải quan và Cục Kiểm lâm nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc như không áp dụng mã HS 4407 đối với nhóm các mặt hàng ván gỗ ghép thanh bằng keo và mặt bàn, tủ và kệ bếp xuất khẩu;
Phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn hỗ trợ tư vấn Hội viên Idemitsu tiến trình giải quyết vụ việc định mã số hải quan và thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng viên nén gỗ đen; kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan điều chỉnh thuế suất thuế XK viên nén gỗ đen từ 10% xuống còn 5%.
Theo các doanh nghiệp, Cục Hải quan Bình Định đã ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu thủ tục, thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực nghiệp vụ hải quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí và tạo điều kiện tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp gỗ và doanh nghiệp hỗ trợ ngành gỗ.
Bên cạnh đó, để công tác hỗ trợ thường xuyên hơn, Cục Hải quan Bình Định đã ký kết biên bản ghi nhớ, và trao giấy chứng nhận “Doanh nghiệp là thành viên Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan” với nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp ngành gỗ; mới đây, ngày 2/9/2024, đơn vị đã ký kết quy chế phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp, với mục đích đồng hành thực hiện tốt chức năng của mỗi bên.
Để đảm bảo mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của ngành gỗ Bình Định trong năm 2024, các doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của cơ quan Hải quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.