(New Gol) – Trước thềm Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với doanh nghiệp (DN) về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2024 (dự kiến diễn ra ngày 10/12 tại Hà Nội và 13/12 tại TP Hồ Chí Minh), Tạp chí Hải quan đã trao đổi với ông Đào Thịnh Vinh (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan về công tác triển khai, những kết quả, các giải pháp cải cách, tạo thuận lợi cho DN.
Ông Đào Thịnh Vinh |
Ngành Hải quan đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được?
Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, thời gian qua, ngành Hải quan đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC). Thường xuyên thực hiện tốt hoạt động đánh giá tác động của TTHC trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần quan trọng bảo đảm sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý của quy định về TTHC; công khai TTHC thường xuyên, kịp thời để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin về TTHC của cá nhân, tổ chức, DN; tăng cường công tác kiểm soát TTHC trong toàn Ngành.
Song song đó, ngành Hải quan đã linh hoạt triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng hành cùng với DN. Với những giải pháp tích cực mang lại hiệu quả đã được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao tầm nhìn và mục tiêu hướng tới Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh của ngành Hải quan.
Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật hải quan, ngành Hải quan đã tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Đây chính là “đòn bẩy” góp phần tạo thuận lợi cho DN nâng cao sức cạnh tranh, đạt sự tăng trưởng, lấy lại đà phục hồi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Xin ông cho biết cụ thể hơn?
Với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, những năm qua ngành Hải quan luôn xác định công tác CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần quan trọng vào hoạt động CCHC của ngành Tài chính.
Những năm gần đây, cơ quan Hải quan đã tổ chức định kỳ, thường xuyên, đột xuất các hội nghị, các buổi gặp gỡ để giải quyết vướng mắc theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Ngành Hải quan xác định, việc thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại để DN có điều kiện phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu (XNK), thủ tục hải quan, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức (CBCC) Hải quan khi thi hành công vụ là ưu tiên hàng đầu.
Bằng biện pháp này, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc của các DN và nắm thêm được những thông tin bổ ích phục vụ công tác cải cách hành chính về hải quan đồng thời, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những biểu hiện tiêu cực của CBCC các cấp.
Đặc biệt, sau mỗi hội nghị đối thoại với cộng đồng DN được Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hàng năm ở phía Bắc, phía Nam, một số văn bản về thủ tục hải quan và quản lý thuế đã được ban hành mới, thay thế để tạo điều kiện thuận hơn nữa cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kết quả, năm 2024, cơ quan Hải quan các cấp đã thực hiện hơn 154 cuộc đối thoại và trả lời khoảng 1.000 câu hỏi vướng mắc, với sự tham gia của hàng nghìn DN có hoạt động XNK. Thông qua các cuộc đối thoại, cơ quan Hải quan nhận thấy hầu hết các vấn đề vướng mắc phát sinh mà DN nêu đều liên quan đến các TTHC có tính chất liên ngành.
Ngoài ra, sau mỗi kỳ đối thoại, thông qua các kênh, cơ quan Hải quan đã tích cực giải đáp các vướng mắc phát sinh trong thực hiện thủ tục hải quan, bảo đảm việc tuân thủ chính sách, pháp luật của DN. Cơ quan Hải quan tiếp tục đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế XNK phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh tế lành mạnh; phù hợp với các điều ước quốc tế và hiệp định thương mại tự do, Luật Hải quan, Luật Thuế XK, thuế NK và các luật khác có liên quan.
Theo ông, thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ có những kế hoạch gì để kịp thời nắm bắt, tiếp thu các ý kiến liên quan đến các chính sách quản lý trong lĩnh vực hải quan… của DN, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế như hiện nay?
Để giải quyết vướng mắc, hỗ trợ DN phát triển, cơ quan Hải quan tiếp tục chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu duy trì các giải pháp đảm bảo thông quan hàng hoá. Nâng cao hiệu quả các giải pháp về CNTT để hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế; kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành khi giải quyết TTHC.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan; đơn giản hoá hồ sơ hải quan, bãi bỏ các chứng từ không cần thiết, đơn giản hoá các khâu nghiệp vụ… Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương duy trì các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, tránh ách tắc hàng hoá, đảm bảo thông quan hàng hoá được thông suốt.
Mặc dù vậy, thông qua các hội nghị đối thoại, cơ quan Hải quan mong muốn DN chủ động hơn nữa trong việc phản hồi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật. Đồng thời, tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới thuế, hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của các văn bản pháp luật. Từ đó giải quyết kịp thời các vướng mắc và kiến nghị cấp trên giải quyết các vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền được phân cấp.
Xin cảm ơn ông!